Cách trị mụn trứng cá – Những điều nên và không nên
Mụn trứng cá là loại bệnh lý về da thường gặp ở độ tuổi dậy thì, xuất hiện cùng lúc với sự thay đổi hormone và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Mụn trứng cá khiến bạn cảm thấy mất tự tin với vẻ ngoài của mình. Cùng tham khảo bài viết sau để hiểu rõ những thông tin liên quan đến loại mụn khó ưa này cũng như cách trị mụn hiệu quả nhé!
Tổng quan về mụn trứng cá
Sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể khi trong thời kỳ kinh nguyệt, ở tuổi dậy thì hoặc mang thai dễ gây mụn trứng cá thường xuất hiện trên khuôn mặt. Tuy nhiên, nếu mụn xuất hiện quá nhiều khiến da bị sưng tấy, gây đau nhức thì không nên chủ quan và cần điều trị mụn trứng cá sớm.
Mụn trứng cá hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc vì cơ thể tiết ra quá nhiều bã nhờn, lượng dầu thừa trên da bám dày ở mặt khiến vô tình lưu lại tế bào chết ở bên trong lỗ chân lông.
Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes trong môi trường giàu chất bã nhờn khiến lỗ chân lông bị viêm, tấy đỏ và sưng, dẫn tới xuất hiện mụn. Không chỉ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tình trạng mụn này cũng thường hay xuất hiện ở người trưởng thành. Theo thống kê, có đến hơn 50% nữ giới từ 20 – 30 tuổi bị mụn trứng cá.
Ngoài ra, việc không thường xuyên vệ sinh chăn, drap, vỏ gối cũng dễ khiến mụn trứng cá hình thành do vi khuẩn thường tích tụ ở vải, kèm theo đó là mồ hôi, bã nhờn, bụi bẩn từ da mặt tiếp xúc từ gối làm sinh sôi mụn. Hơn nữa, chế độ ăn uống không lành mạnh như: thường xuyên dùng đồ chiên xào, cay nóng, bia rượu, thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi nội tiết tố dẫn đến mụn trứng cá.
Mụn trứng cá được chia làm nhiều loại, cụ thể như:
- Mụn đầu đen: xuất hiện nhiều ở đầu mũi, cằm, trán với những chấm đen li ti.
- Mụn đầu trắng: đặc điểm nhận dạng là đầu mụn có nhân trắng.
- Mụn đỏ (hay còn gọi là mụn sẩn): là những nốt mụn đỏ hoặc hồng trên da, có thể hơi sưng.
- Mụn mủ: là loại mụn có kích thước khá to, đỏ, có nhân mủ dịch màu trắng đục hoặc vàng.
- Mụn u nang: đây là loại mụn có kích thước lớn, thường gây đau, nhức, chứa nhiều mủ sâu, mềm trông như bóng nước.
- Mụn u: mụn to, sưng nhưng cứng và khi chạm vào sẽ cảm giác đau nhức nhưng không nhìn rõ được nhân mụn.
Không khó để đối phó với loại mụn này, để thực hiện cách trị mụn trứng cá tận gốc, các bạn cần tác động vào yếu tố bên trong thì mới đạt hiệu quả tốt. Nhưng đa phần vì không đảm bảo vệ sinh cũng như kỹ thuật xử lý nên những ai mắc mụn trứng cá thường có xu hướng nặng thêm, bị thâm và chịu những tổn thương gây sẹo khó phục hồi. Vì thế, các bạn cần nên biết cách trị mụn trứng cá như thế nào, những điều nên – không nên làm để “yêu chiều” làn da nhạy cảm này.
Một số phương pháp trị mụn trứng cá
Làm gì để hết mụn trứng cá? Đây là nỗi băn khoăn của khá nhiều người khi gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, bước đầu tiên khi trị mụn trứng cá bạn nên xác định tình trạng mụn và cần lưu ý thực hiện những điều sau để hạn chế cũng như ngăn ngừa mụn trứng cá xuất hiện:
1. Giữ cho da luôn sạch sẽ
Mụn trứng cá hình thành do việc bã nhờn làm bít tắc lỗ chân lông. Do đó, để tránh tích tụ lượng dầu thừa trên da bạn nên giữ cho da mặt luôn sạch sẽ. Đây là cách trị mụn trứng cá bắt buộc phải thực hiện.
Bạn nên làm sạch da vào buổi sáng khi vừa thức dậy và tối trước khi ngủ bằng loại sữa/gel rửa mặt dành cho da mụn, ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên như nghệ vàng, chiết xuất thảo mộc và bổ sung vitamin E. Hạn chế rửa mặt quá thường xuyên vì việc này sẽ kích thích tuyến dầu hoạt động, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi dẫn đến mụn.
Ngoài ra, bạn cần nên tẩy da chết 1 lần/ tuần để da sạch hoàn toàn, đồng thời hấp thu dưỡng chất từ các sản phẩm bôi tại chỗ một cách tốt nhất. Nên ưu tiên chọn các dòng có chứa nguyên liệu tự nhiên như đất sét, bùn khoáng, bã cafe,… Đắp mặt nạ 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp da cung cấp độ ẩm và sạch nhờn, giảm mụn, thâm cho da.
2. Dùng kem chống nắng mỗi ngày
Đừng nghĩ rằng việc bôi kem chống nắng sẽ càng khiến da bị bí hơn. Ngược lại, thoa kem chống nắng hàng ngày không chỉ giúp trị mụn trứng cá mà còn trị được cả da sạm đen, vết thâm do mụn khó lành. Bạn có thể sử dụng các loại kem đặc chế dành cho da mụn nhưng không chứa dầu và bạn có thể yên tâm dùng hàng ngày mà không lo mụn nặng thêm.
3. Sử dụng các sản phẩm chuyên trị để giảm mụn
Dựa vào mức độ của mụn, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kê đơn và không kê đơn, thuốc uống trị mụn trứng cá hoặc thuốc thoa tại chỗ hoặc kết hợp cả hai.
Đối với mụn trứng cá nhẹ: các bác sĩ thường khuyên điều trị mụn trứng cá bằng những sản phẩm không cần kê đơn như dùng gel trị mụn, kem trị mụn, xà phòng rửa mặt,… Các loại sản phẩm dùng cho điều trị mụn trứng cá nhẹ thường chứa adapalene, axit salicylic và benzoyl peroxide. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là dễ gây kích ứng da do chứa các thành phần hóa học.
Bạn có thể bắt đầu sử dụng hoạt chất này ở liều lượng thấp, những tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi tiếp tục sử dụng. Nếu tình trạng không cải thiện bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp. Một điểm lưu ý là khi bạn sử dụng các loại thuốc trị mụn trứng cá không kê đơn, thường ít nhất phải mất 4 tuần mới thấy hiệu quả. Đồng thời, bạn phải thường xuyên dùng liên tục để ngăn ngừa mụn tái phát.
Ngoài ra, dầu tràm trà có nồng độ 5% có thể giúp điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Hoạt chất Polyphenol từ trà, bao gồm trà xanh, có thể có lợi trong việc giảm tiết bã nhờn, điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, các bạn nên dùng sản phẩm chiết xuất từ trà hay vì sử dụng trà trực tiếp.
Đối với mụn từ mức trung bình đến nặng: các bác sĩ thường xuất nhiều hướng trị mụn trứng cá chẳng hạn như:
+ Uống kháng sinh – thuốc trị mụn trứng cá: Đây là loại thuốc có thể chống lại sự phát triển của vi khuẩn P.acnes và giúp giảm viêm. Trong khoảng 3 – 6 tháng, mụn trứng cá sẽ có dấu hiệu cải thiện rõ dần khi sử dụng các loại thuốc uống kháng sinh. Tuy nhiên, một số người sẽ gặp tác dụng phụ như đau bụng, hoa mắt, mất tập trung, thay đổi màu da, nguy cơ cháy nắng. Đặc biệt, thuốc kháng sinh không chỉ định cho phụ nữ đang mang thai, trẻ dưới 14 tuổi không dùng loại thuốc này.
+ Dùng thuốc tránh thai: một số trường hợp cần phải uống thuốc tránh thai để kiểm soát và điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng rối loạn đông máu, hút thuốc lá, tiền sử đau nửa đầu, trên 35 tuổi thì không nên dùng biện pháp này.
+ Thuốc kháng khuẩn bôi ngoài da: đây là loại thuốc giúp làm giảm vi khuẩn gây mụn trứng cá từ trung bình đến nặng. Thông dụng nhất là clindamycin và natri sulfacetamide. Ngoài ra, retinol cũng giúp thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn phát triển mạnh.
+ Isotretinoin: Nếu tình trạng mụn của bạn quá nặng, bác sĩ sẽ chỉ định uống isotretinoin theo liều lượng. Đây là loại thuốc thuộc dạng retinoid, giúp giảm tiết dầu trên mặt. Tuy nhiên, khi dùng loại thuốc trị mụn trứng cá này, cần kiên trì từ 4 tuần mới thấy rõ hiệu quả.
- Bên cạnh đó, các chuyên gia đã phát hiện những người có chế độ ăn uống chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin E, vitamin A và kẽm sẽ có ít nguy cơ bị mụn trứng cá nặng. Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng ít ngọt, hạn chế đường cũng có thể bảo vệ da khỏi mụn trứng cá.
4. Thăm khám ở bác sĩ da liễu uy tín
Nếu các phương pháp điều trị mà bạn áp dụng không trị mụn trứng cá dứt điểm, mụn vẫn tái phát bạn cần nên thăm khám ở các bác sĩ da liễu uy tín để được kê đơn các loại kem bôi/thuốc trị mụn trứng cá có công dụng mạnh hơn. Những dạng thuốc kháng sinh, thuốc bôi retinol hoặc các phương pháp như peel da, điều trị bằng laser sẽ giúp bạn không còn băn khoăn làm gì để hết mụn trứng cá.
Những điều không nên làm khi trị mụn trứng cá
Bên cạnh việc điều trị mụn trứng cá, bạn nên chú ý không nên thực hiện những điều sau để chăm sóc da nhanh sạch mụn và ngăn ngừa mụn quay lại:
1. Không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần gây kích ứng
Khi da bị mụn trứng cá có nghĩa vùng da đó đang rất nhạy cảm. Do đó, việc lưu ý thành phần mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da không nên bỏ qua. Để nhanh hết mụn, các bạn không sử dụng các sản phẩm chăm da có thành phần kích ứng như:
- Kem đánh răng: Thành phần trong kem đánh răng giúp làm khô mụn nhanh hơn. Nhưng chất Flo và chất làm trắng của kem dễ khiến da kích ứng, gây nên tình trạng mụn trứng cá nặng. Do đó không nên thực hiện cách trị mụn trứng cá này.
- Bột Aspirin: không ít các trang web chia sẻ việc trị mụn trứng cá bằng cách nghiền nhỏ Aspirin – loại thuốc liên quan đến thành phần acid salicylic có thể trị mụn. Tuy nhiên, Aspirin trong thuốc uống không có tác dụng ở da. Nên các bạn lưu ý chọn lựa sản phẩm bôi đúng dành riêng cho da mụn.
- Ngoài ra, bạn không nên chườm đá bẩn, giữ nước đá quá lâu khi làm giảm sưng đau do mụn trứng cá gây ra vì chúng sẽ dễ gây kích ứng trên da mụn.
2. Không chạm tay lên da mặt quá nhiều
Khi bị mụn trứng cá, bạn không được chạm tay lên da mặt quá nhiều. Bởi vì tay là bộ phận tiếp xúc với đồ vật nhiều nhất và cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Việc đưa tay lên mặt nhiều vô tình khiến vi khuẩn, bụi bẩn lây lan từ tay sang mặt, làm tăng tình trạng mụn trứng cá. Ngoài ra, bạn cũng cần nên giữ điện thoại cách xa mặt khi nói chuyện, vì nó có khả năng chứa vi khuẩn có hại khi tiếp xúc với da.
Ngoài ra, bạn cần nên giữ tóc sạch và hạn chế xõa, chạm vào mặt quá nhiều để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn từ tóc lên da mặt của bạn.
3. Không chà xát vật dụng lên phần da bị mụn
Không chà xát vùng da mụn cũng như tự ý nặn mụn bằng dụng cụ không hợp vệ sinh là việc không nên làm khi trị mụn trứng cá. Việc làm này sẽ khiến da nhiễm trùng nặng hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và sưng đỏ đốm mụn.
Ngoài ra, bạn cần nên tẩy trang kỹ trước khi ngủ, không nên dùng các loại mỹ phẩm trang điểm có chứa gốc dầu hoặc lớp trang điểm quá dày. Điều này sẽ khiến da dễ bị bít tắc lỗ chân lông, hình thành và phát triển mụn trứng cá thêm.
Bên cạnh đó, việc dùng khăn buộc chặt hoặc mũ trùm đầu, tóc che dày để ngụy trang mụn không phải là cách lâu dài để xử lý da mụn mà còn khiến tình trạng da này tồi tệ hơn.
Nếu bạn chăm sóc da mụn không đúng cách, không những mụn không giảm mà còn nhiều lên nên cần thật chú ý nhé.
4. Không sử dụng các phương pháp trị mụn khác thường
Các thuốc trị mụn trứng cá có thể gây tác dụng phụ như khô hoặc kích ứng da. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi phối hợp các sản phẩm và liều lượng được khuyến cáo để tránh tình trạng mụn trứng cá phát triển nặng hơn.
Nếu bạn quá lo lắng, không biết làm gì để hết mụn trứng cá nặng thì không nên thay đổi thuốc điều trị. Hãy kiên nhẫn với phác đồ điều trị của bác sĩ da liễu uy tín của bạn.
Nhìn chung, trị mụn trứng cá không quá khó, nếu thực hiện đúng cách và dùng sản phẩm phù hợp thì tình trạng mụn trên da của bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng đến khi phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, khi da đã phục hồi, bạn cũng cần chăm sóc da thường xuyên và đúng cách để ngăn mụn quay trở lại.
Nguồn tham khảo:
Acne Dos and Don’ts
https://www.onhealth.com/content/1/cover_up_your_acne_blemish
Teen acne pimpledos and donts
https://www.everydayhealth.com/kids-health-pictures/teen-acne-pimpledos-and-donts.aspx
what to do and avoid acne
https://www.healthline.com/health/severe-acne/what-to-do-and-avoid
Bài viết liên quan: