Tacrolimus: Những điều cần biết trước khi sử dụng

Viêm Da
tacrolimus và cách sử dụng

Da bị mẩn đỏ, ngứa ngáy do viêm da cơ địa sẽ khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, gặp phải nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Hoạt chất Tacrolimus có trong thuốc bôi ngoài da được các bác sĩ kê toa để điều trị bệnh lý này. Cùng tìm hiểu Tacrolimus là gì và những điều cần biết trước khi sử dụng loại thuốc này qua bài viết sau.

I. Tacrolimus là gì?

Tacrolimus là một loại thuốc ức chế calcineurin được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da, viên nang uống và tiêm tĩnh mạch. Ban đầu nó được phân lập từ nấm đất Streptomyces tsukabaenis. Đối với dạng thuốc mỡ Tacrolimus, các Bác sĩ da liễu thường chỉ định trong điều trị bệnh ngoài da như viêm da cơ địa.

II. Tác dụng của tacrolimus

Viêm da cơ địa là một bệnh lý dị ứng da, gây ra tình trạng ngứa rát, đỏ da. Đây là căn bệnh mạn tính, có khả năng bùng phát thành nhiều đợt và nguy cơ tái phát cao. Tuy chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, nhưng người ta nhận thấy yếu tố từ môi trường và lối sống có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn, bao gồm: tiếp xúc với hóa chất độc hại, tắm nước nóng, sử dụng chất tẩy rửa mạnh thường xuyên,… Người mắc viêm da cơ địa phải chịu cảm giác ngứa ngáy, kèm theo đau rát ở vùng da bị sưng viêm, chảy mủ.

Tác dụng của tacrolimus

Tacrolimus là loại thuốc bôi viêm da cơ địa có tác dụng ức chế miễn dịch tại chỗ, trực tiếp ngăn chặn hệ thống miễn dịch sản xuất ra các chất gây viêm tại khu vực bị kích ứng. Từ đó, làm giảm các triệu chứng ngứa, đỏ và rát trên da. Loại thuốc này thường được các Bác sĩ chỉ định trong điều trị bệnh chàm thể tạng (viêm da cơ địa) và những bệnh ngoài da có liên quan đến yếu tố miễn dịch bao gồm: viêm da cơ địa ở bàn tay, chàm da tiếp xúc, viêm da mí mắt, viêm da mủ hoại thư,…

III. Đối tượng nào có thể dùng Tacrolimus dạng bôi?

Tacrolimus là một loại thuốc kê toa, vì thế chỉ nên sử dụng khi có sự kê toa của các bác sĩ. Tùy thuộc vào độ tuổi mà các chuyên gia Da liễu sẽ chỉ định hàm lượng và liều lượng phù hợp như sau:

  • Từ 2 đến 15 tuổi: thường được kê toa ở hàm lượng Tacrolimus 0,03%. Bôi một lớp mỏng thuốc mỡ lên vùng da bị tổn thương 2 lần/ngày.
  • Từ 16 tuổi trở lên: sử dụng hàm lượng Tacrolimus 0,1%, bôi một lớp mỏng vào vùng cần điều trị 2 lần mỗi ngày. Tuân thủ các hướng dẫn khác của bác sĩ điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc điều trị nên được tiếp tục thêm 1 tuần sau khi hết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Thuốc mỡ Tacrolimus có thể dùng trên bất cứ phần nào của cơ thể, kể cả ở mặt, cổ và các vùng nếp gấp, ngoại trừ trên niêm mạc. Đối với phụ có thai và cho con bú, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ trước khi sử dụng.

Đối tượng nào có thể dùng Tacrolimus dạng bôi

IV. Những lưu ý khi sử dụng Tacrolimus

Để hạn chế tác dụng phụ và kết quả điều trị như mong muốn, bạn hãy lưu ý những điều sau đây nhé:

  • Vệ sinh sạch sẽ tay và vùng cần điều trị trước khi bôi thuốc
  • Không dùng thuốc Tacrolimus lên vùng có vết thương hở
  • Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt
  • Che chắn vùng da bị bệnh, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và bụi bẩn
  • Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa mạnh lên vùng da đang bị kích ứng
  • Chọn loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, phù hợp với da nhạy cảm để bổ sung độ ẩm cho da
  • Không tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh đi bơi trong thời gian sử dụng thuốc trị viêm da cơ địa
  • Không nên băng kín vùng da cần điều trị, trừ khi có sự chỉ định từ bác sĩ

Bất kỳ thành phần thuốc nào cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn tuân thủ đúng các hướng dẫn từ bác sĩ, việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Đừng quên tham khảo ý kiến chuyên môn khi nhận thấy các bất thường trong thời gian sử dụng Tacrolimus nhé.

Xem thêm bài viết: 

Nguồn tham khảo:

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-20330/tacrolimus-topical/details

https://dermnetnz.org/topics/tacrolimus/

https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a602020.html

Chủ đề:

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *