Kem chống nắng vật lý và hoá học: Điểm khác biệt và những lưu ý khi sử dụng
Chống nắng là một trong các bước dưỡng da không thể thiếu của chị em dùng để bảo vệ làn da tốt hơn trước tia cực tím trong ánh nắng. Hiện nay, có 2 dòng sản phẩm kem chống nắng vật lý và hoá học được rất nhiều chị em quan tâm về cách sử dụng và chọn lựa cho phù hợp với da.
Vậy kem chống nắng vật lý và hoá học có những điểm gì khác nhau? Bài viết sau đây sẽ là câu trả lời dành cho bạn.
Kem chống nắng vật lý là gì?
Để phân biệt được kem chống nắng vật lý và hoá học, trước tiên bạn phải hiểu cấu tạo và ưu nhược điểm của từng loại kem. Kem chống nắng vật lý có chứa các hạt khoáng chất mịn – thường là titanium dioxide và oxit kẽm – nằm trên bề mặt da. Chúng có chức năng phản xạ lại các tia UV, ngăn cản các tác hại đến từ ánh nắng mặt trời với da. Các loại kem chống nắng vật lý thường có chỉ số SPF rất cao, không gây kích ứng với công thức phù hợp cho nhiều loại da và thoáng khí.
Ưu điểm:
- Ít gây kích ứng và phù hợp hơn cho da nhạy cảm.
- Dưỡng ẩm nhiều hơn, có thể gây cảm giác nặng nề trên da.
- Chất kem khá dày mang đến độ che phủ khá tốt
- Mang lại vẻ mịn màng và đều màu cho da. Có thể sử dụng như 1 lớp phấn nền.
Nhược điểm:
- Chất kem dày, đặc nên dễ gây bí da, bít tắc lỗ chân lông dẫn tới mụn
- Dễ bị trôi nếu da tiết nhiều mồ hôi.
- Lớp phủ màu trắng khiến da mặt dễ bị lệch tone với các vùng khác, là nhược điểm đối với các bạn có làn da ngăm.
Kem chống nắng hoá học là gì?
Tiếp đến, về kem chống nắng hóa học (sunscreen) là sản phẩm ngăn ngừa tác hại của tia UV có thành phần bao gồm sự kết hợp của nhiều chất hóa học khác nhau. Nguyên lý chống nắng của loại kem này khác quá trình tạo ra lớp màng phản xạ của kem vật lý. Kem chống nắng hóa học sẽ tạo ra các phản ứng làm thay đổi các tia UVA,UVB thành nhiệt và sau đó giải phóng nhiệt ra khỏi da. Loại kem này có chứa các hợp chất hữu cơ như: oxybenzone, octinoxate, octisalate và avobenzone…
Ưu điểm:
- Chất kem mỏng, thấm nhanh, không nhờn bết
- Có thể sử dụng cùng lúc với các tinh chất dưỡng da ban ngày
- Không tạo ra lớp màn trắng, giữ nguyên màu của làn da.
Nhược điểm:
- Vì cấu trúc mỏng nhẹ nên khi tiếp xúc trực tiếp dưới nắng dù ở môi trường khô ráo thì bạn vẫn nên thoa lại kem sau 2 – 3 giờ sử dụng.
- Có thể gây kích ứng với một số loại da nhạy cảm.
- Không có nhiều thành phần dưỡng ẩm nên da dễ bị khô.
Chính vì kem chống nắng vật lý và hoá học đều có những ưu và nhược điểm riêng nên sẽ khiến nhiều chị em bối rối không biết nên lựa chọn như thế nào. Hiện nay trên thị trường đã có xuất hiện nhiều sản phẩm chống nắng lai giữa vật lý và hóa học để mang đến cho người dùng sự trải nghiệm tốt nhất trên da.
Chọn kem chống nắng phù hợp với từng loại da
Dù cho bạn chọn loại kem chống nắng vật lý và hoá học nào thì yếu tố phù hợp với loại da vẫn nên được đặt lên hàng đầu. Đây là một sản phẩm mà bạn phải sử dụng thường xuyên trong suốt một ngày dài, nên việc lựa chọn cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Kem chống nắng cho da nhạy cảm
Nếu có làn da nhạy cảm, một số thành phần sau đây bạn sẽ cần tránh khi mua kem chống nắng vì chúng có thể gây ra kích ứng với da như cồn, hương liệu, oxybenzone, axit para aminobenzoic (PABA), salicylate và cinnamates.
Với làn da “khó tính” này, bạn có thể lựa chọn một loại kem chống nắng chứa oxit kẽm và titanium dioxide. Đây là 2 thành phần được đánh giá là khá an toàn và ít gây ra những phản ứng tiêu cực lên da. Ngoài ra, các thành phần như panthenol, allantoin và madecassoside đều có đặc tính làm dịu và có thể giúp giảm kích ứng.
Kem chống nắng cho da khô
Nếu bạn sở hữu một làn da khô thì cấp ẩm chính là một yếu tố quan trọng. Trong trường hợp này, bạn có thể chọn loại kem chống nắng vật lý với kết cấu dày dưỡng ẩm tốt hoặc dùng kem dưỡng trước khi thoa kem chống nắng hóa học lên da. Các thành phần dưỡng ẩm phù hợp với da khô có thể kể đến như ceramides, glycerin, axit hyaluronic, mật ong,…
Kem chống nắng cho da dầu (nhờn)
Nếu bạn có làn da dầu, hãy cố gắng tìm kem chống nắng dạng nước hoặc dạng gel với lớp nền mờ. Các thành phần như trà xanh, dầu cây trà hoặc niacinamide trong kem chống nắng của bạn cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng dầu tốt hơn.
Kem chống nắng cho da mụn
Cũng giống như đối với da nhạy cảm, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng bất kỳ loại kem chống nắng nào có các thành phần dễ gây kích ứng. Ngoài ra, bạn nên chọn loại kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ để hạn chế tình trạng bí lỗ chân lông.
Bên trên là cách giúp bạn chọn được kem chống nắng cho phù hợp với từng loại da. Cuối cùng, bạn hãy lưu ngay một số mẹo khi thoa kem chống nắng sau đây để chúng có thể phát huy tốt tác dụng nhé!
- Luôn tìm kem chống nắng có ít nhất SPF 30 và khả năng bảo vệ phổ rộng.
- Sử dụng đủ lượng kem để chúng có thể phát huy được khả năng bảo vệ tối đa. Bạn sẽ cần khoảng ½ thìa cà phê cho mặt và cổ.
- Đảm bảo thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2-3 giờ, đặc biệt là khi bạn ở ngoài trời và ngay sau khi bạn tiếp xúc với nước.
- Đừng quên thoa sản phẩm của bạn gần vùng mắt và phía sau ráy tai của bạn.
Nguồn tham khảo:
https://www.piedmont.org/living-better/the-difference-between-physical-and-chemical sunscreen
https://www.laroche-posay.com.au/article/chemical-vs-physical-sunscreen-the-facts
https://forefrontdermatology.com/chemical-vs-physical-sunscreen/
https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/sunscreen-skin type#_noHeaderPrefixedContent
Bài viết liên quan: