Da dầu thiếu ẩm phải chăm sóc như thế nào?
Da dầu bên ngoài nhưng khô bên trong. Đây là biểu hiện cho thấy bạn đang mắc phải tình trạng da dầu thiếu ẩm. Vậy da dầu thiếu ẩm là gì? Cách chăm sóc da dầu thiếu ẩm, da dầu hỗn hợp như thế nào? Hãy cùng tham khảo thông tin bên dưới.
Thế nào là da dầu thiếu ẩm?
Da dầu thiếu ẩm nghe có vẻ không đúng. Nhưng đây là tình trạng khá phổ biến mà nhiều người bỏ qua. Thông thường mọi người sẽ nghĩ da thiếu ẩm hay thiếu nước xuất hiện chủ yếu ở những ai sở hữu làn da khô. Nhưng da thiếu ẩm không nhất thiết phải là da khô. Chúng có thể xảy ra với bất kỳ loại da nào như da thường, da nhạy cảm và đặc biệt là da dầu.
Các yếu tố có thể khiến làn da rơi vào tình trạng mất nước như: thiếu nước, chế độ ăn uống, môi trường (nhiệt độ, thời tiết, thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời,…), tiêu thụ quá nhiều caffein, sử dụng mỹ phẩm sai cách… Chính sự mất nước này khiến làn da của bạn tiết ra nhiều dầu hơn để bù đắp sự thiếu hụt độ ẩm. Đây cũng là lý do tại sao làn da mất nước lại có thể đồng thời cảm thấy khô và nhờn. Điều này gây khó khăn trong quá trình phân biệt giữa da dầu và da thiếu ẩm.
Hiểu được nguyên nhân có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế mắc phải những sai lầm. Từ đó có phương pháp chăm sóc và bảo vệ da đúng cách. Kèm theo những nguyên nhân trên bạn cũng nên biết các triệu chứng giúp bạn nhận biết da thiếu nước gồm:
- Đỏ, ngứa
- Da trở nên nhạy cảm
- Lỗ chân lông bị tắc nghẽn
- Quầng thâm dưới mắt
- Tăng sự xuất hiện và độ sâu của nếp nhăn
- Da xỉn màu
Ngoài ra, thiếu nước nghiêm trọng có thể biểu hiện dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, khô miệng, ngất xỉu, nước tiểu sẫm màu… Những dấu hiệu này phải được quan tâm và thăm khám của các bác sĩ.
Mối liên hệ giữa da dầu thiếu ẩm và mụn
Da dầu thiếu ẩm và mụn có thật sự liên quan với nhau. Như bạn đã biết, da dầu thiếu ẩm là tình trạng da thiếu nước, dẫn đến tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt này. Trong khi đó, da dầu dễ nổi mụn và dầu là một trong những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá. Chúng làm tắc nghẽn lỗ chân lông và sản sinh ra mụn. Chính vì vậy, khi da dầu thiếu ẩm làm sẽ làm tăng lượng dầu sản sinh trên da và khiến bạn tăng nguy cơ nổi mụn trứng cá.
Một trong những sai lầm khiến bạn rơi vào tình trạng này có thể kể đến “hầu hết mọi người nghĩ rằng có làn da dầu, không cần dưỡng ẩm”. Đây là một lầm tưởng phổ biến. Khi bạn sở hữu một làn da nhờn bạn có thể lựa chọn sản phẩm riêng biệt dành cho loại da của bạn. Điều này giúp bạn cung cấp dưỡng chất cho da, giúp da giữ nước và hạn chế tình trạng da dầu thiếu ẩm.
Cách chăm sóc da dầu thiếu ẩm
Da dầu thiếu ẩm có thể được cải thiện nếu bạn chăm sóc đúng cách. Dưới đây là những bước chăm sóc da dành cho da dầu. Kèm theo đó là những điều bạn nên và không nên thực hiện trong quá trình chăm sóc này.
1. Tẩy tế bào chết
Bạn không nên lựa chọn những sản phẩm tẩy tế bào chết có tính chất tẩy mạnh, vì chúng có thể làm hỏng lớp da bên ngoài của bạn. Một trong những thành phần bạn có thể lựa chọn là AHA- BHA, chúng sẽ giúp bạn loại bỏ lớp tế bào chết và lớp sừng mà không gây kích ứng cho làn da.
Không nên tẩy tế bào chết hằng ngày. Chúng cũng sẽ khiến lớp da bạn bị khô từ sâu bên trong. Việc loại bỏ tế bào da chết thường xuyên có thể khiến da bạn mất đi những tế bào giúp cân bằng lượng dầu và nước cho da. Nên thực hiện tẩy tế bào chết từ 1 – 2 lần/ tuần.
2. Làm sạch da mặt
Làn da khỏe thường có tính axit yếu và nồng độ PH từ 5 đến 7 để da luôn khỏe mạnh bạn nên duy trì nồng độ axit của da. Do đó, lựa chọn sữa rửa mặt có tính axit nhẹ, có độ PH chuẩn với da sẽ giúp làm sạch mà không bị mất đi độ ẩm của da. Ngược lại, nếu bạn sử dụng sữa rửa mặt có độ kiềm quá cao sẽ khiến da mất cân bằng và gây tình trạng thiếu ẩm.
Bạn có thể lựa chọn một số sản phẩm rửa mặt có tính năng dưỡng ẩm dành riêng cho da dầu, điều này sẽ an toàn hơn cho làn da của bạn.
3. Toner
Đây là bước chăm sóc cần thiết sau khi làm sạch da bằng sữa rửa mặt. Bạn có thể lựa chọn một số loại toner dưỡng ẩm, giúp cung cấp độ ẩm từ bên ngoài lẫn sâu bên trong da.
Bạn có thể sử dụng toner 2 lần một ngày, ngay sau bước làm sạch da. Trong trường hợp da bạn trở nên khô, căng cứng, khó chịu bạn có thể dùng toner như một loại mặt nạ. Thoa lượng lớn toner vào miếng bông hoặc vào mặt nạ vải đắp chúng lên da.
Không sử dụng những sản phẩm có thành phần cồn, rượu. Vì chúng có xu hướng dễ kích ứng với da gây ngứa, khô. Những thành phần này tạo ra oxy hoạt tính làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.
4. Serum dưỡng da
Một trong những lý do da dầu thiếu ẩm là do nhiệt độ khiến da mặt bị nóng. Bạn có biết khi nhiệt độ tăng lên lượng bã nhờn xung quanh da mặt sẽ tăng lên 10%. Do đó nếu càng nóng mặt, da bạn sẽ càng cảm thấy nhờn. Chính vì vậy, hạ nhiệt trên da là điều cần thiết. Sử dụng serum dưỡng da có tác dụng làm mát da, giảm thiểu tình trạng đổ dầu do nhiệt. Dưỡng da từ sâu bên trong giúp cân bằng lượng dầu và nước, không gây tình trạng da dầu thiếu ẩm.
Bạn không kết hợp nhiều loại serum lại với nhau. Vì sẽ có những thành phần không cho phép được kết hợp cùng nhau. Đặc biệt nếu hai sản phẩm này có chức năng cải thiện nếp nhăn và se khít lỗ chân lông. Không nên dùng chúng cùng lúc, nó sẽ khiến lỗ chân lông bạn gặp vấn đề. Vì serum se khít lỗ chân lông hầu như chứa rất ít dầu để giúp sản phẩm phát huy công dụng. Nhưng serum giảm nếp nhăn thành phần có chứa khá nhiều dầu. Vì vậy nên cân nhắc việc kết hợp hai loại serum này.
5. Kem dưỡng da
Đối với da dầu thiếu ẩm bạn nên lựa chọn kem dạng gel hoặc không chứa dầu. Những sản phẩm không chứa thành phần dầu sẽ mang lại hiệu quả làm dịu da và kiểm soát nhờn. Một số thành phần có chứa nhiều dầu bao gồm:
- Triglyceride natri palmate
- Stearat
- Axit stearic
Bạn có thể cân nhắc chọn lựa dòng sản phẩm gel dưỡng ẩm kiểm soát mụn có chứa Acnacidol BG (chất điều tiết bã nhờn có khả năng kháng khuẩn), Natri Hyaluronate (chất dưỡng ẩm có khả năng giữ nước tốt), phức hợp 3 loại mận Kakadu, Illawarra, Burdekin (có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, giảm tổn thương hàng rào bảo vệ da), và lô hội (giảm đau, kháng viêm, sát khuẩn). Kem dưỡng ẩm cho da dầu có khả năng vừa dưỡng ẩm cho làn da vừa có khả năng kiểm soát mụn, giúp duy trì và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
Hy vọng thông qua bài viết trên giúp bạn giải đáp những thắc mắc về da dầu thiếu ẩm. Đồng thời, khi bạn có những lựa chọn phù hợp và chăm sóc đúng cách cho làn da việc đối phó với da dầu thiếu ẩm sẽ không là vấn đề gây khó khăn cho bạn.
Xem thêm:
Nguồn tham khảo:
Dehydrated Skin
https://www.healthline.com/health/dehydrated-skin
Dehydrated Skin
https://www.healthline.com/health/dehydrated-skin#symptoms
Acne Prone Skin
Bài viết liên quan: