Dị ứng da: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm Da
dị ứng da

Dị ứng da là hiện tượng có thể gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi. Dị ứng da ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý người mắc phải. Vậy nguyên nhân dẫn đến dị ứng da là gì? Cách phòng ngừa và điều trị da bị dị ứng thế nào? Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên. 

Dị ứng da là gì?

Da có nhiệm vụ quan trọng là hàng rào chắn bảo vệ bên trong cơ thể. Da có một hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống khỏi những tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi khuẩn, vi rút và những nguy hiểm tiềm ẩn khác. Khi một tác nhân nào đó tiếp xúc với da, hệ thống miễn dịch sẽ nhận định rằng cơ thể đang bị tấn công. Từ đó, chúng có những phản ứng quá mức và gửi kháng thể để chống lại tác nhân gây hại. Kết quả là gây nên tình trạng da nổi mẩn đỏ, phát ban, ngứa, viêm da,…còn gọi là hiện tượng dị ứng da.

Dị ứng da nói chung và dị ứng da mặt nói riêng có nhiều dạng tổn thương khác nhau, mức độ nặng nhẹ tùy theo cơ địa của mỗi người. Để tìm được phương thức điều trị phù hợp thì cần tìm ra nguyên nhân gây dị ứng da.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây dị ứng da, bao gồm:

  • Dị ứng Niken, kim loại chế tạo trang sức, có trong thành phần mỹ phẩm như đồ trang điểm, kem dưỡng da, xà phòng hay dầu gội đầu.
  • Dị ứng mỹ phẩm: một số loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể gây kích ứng da. Thêm vào đó, da không được làm sạch đúng cách khiến lỗ chân lông tắc nghẽn tạo môi trường thuận lợi gây mụn viêm. Một số sản phẩm có chứa thành phần hóa học, có tính axit khiến da bị bào mòn, mỏng da cũng dễ gây dị ứng da.
  • Dị ứng với những loại thuốc bôi ngoài da như thuốc kháng sinh, thuốc trị ngứa,…
  • Nước hoa
  • Sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh dễ gây kích ứng da
  • Dị ứng với thực phẩm cũng có thể gây tình trạng ngứa, nổi mề đay,… trên da
  • Cơ địa nhạy cảm, với những ai sở hữu làn da nhạy cảm, tình trạng dị ứng da có khả năng xuất hiện cao hơn so với những làn da khác
  • Bệnh chàm hoặc viêm da dị ứng là nguyên nhân phổ biến gây phát ban da ở trẻ là một tình trạng dị ứng da

dị ứng da

Cách điều trị dị ứng da

Đối với những ai gặp tình trạng dị ứng da nhẹ có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại chỗ bằng cách tìm ra nguyên nhân để đề phòng và thực hiện chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng hơn, cách tốt nhất là hãy tìm đến các bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Điều trị dị ứng da bằng thuốc

Dị ứng da không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 ngày, cần tìm đến bác sĩ da liễu để xem xét tình hình bệnh và điều trị. Tại đây, bạn có thể nhận được một số loại thuốc chữa dị ứng da hiệu quả như:

  • Thuốc kháng histamine: Có tác dụng ngăn chặn histamine – một chất hóa học gây ra các triệu chứng dị ứng được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể gặp các phản ứng dị ứng. Sử dụng loại thuốc này sẽ giúp hạn chế được tình trạng ngứa ngáy và mẩn đỏ trên da. Một số nhóm thuốc kháng histamin có thể gây ra cảm giác buồn ngủ sau khi sử dụng.
  • Thuốc kháng sinh: Đối với một số loại viêm da dị ứng có thể xuất hiện do vi khuẩn tấn công. Sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây ức chế và ngăn ngừa các biểu hiện sưng đỏ, vảy ngứa trên da. Tuy nhiên, loại thuốc này có một số tác dụng phụ nhất định, người bị dị ứng da không nên tự ý sử dụng mà hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
  • Thuốc mỡ corticosteroid: là một loại thuốc steroid bôi trực tiếp lên da để giảm viêm và các triệu chứng da bị kích ứng. Thuốc corticosteroid nhẹ chẳng hạn như hydrocortisone thường có thể được mua không cần kê đơn tại các hiệu thuốc. Nếu tình trạng dị ứng nghiêm trọng sẽ cần corticosteroid bôi liều cao hơn và cần có chỉ dẫn của bác sĩ. Mặc dù loại thuốc này có thể điều tiết được tình trạng sưng, đau, ngứa rát nhưng chúng cũng có rất nhiều tác dụng phụ cần lưu ý như: gây teo da, da mỏng đi, mất sắc tố da,…
  • Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (TCI): Đây là loại thuốc bôi ngoài da, có tác dụng điều trị bệnh viêm cơ địa và ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng bùng phát. TCI có hai loại bao gồm thuốc mỡ tacrolimus cho người bị viêm da dị ứng từ vừa đến nặng và kem pimecrolimus cho tình trạng viêm da nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh chàm dị ứng ở người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Các kết quả thử nghiệm[1] đã chứng minh rằng khả năng điều trị của thuốc mỡ tacrolimus vượt trội hơn so với cách điều trị bằng hydrocortison hay corticoid thông thường. Sử dụng thuốc mỡ tacrolimus sẽ hạn chế được tình trạng teo da hoặc các tác dụng phụ steroid khác.

dị ứng da

2. Điều trị tại nhà theo kinh nghiệm dân gian

  • Lô hội (nha đam): có chứa các thành phần như axit amin, vitamin, chất chống oxy hóa. Chúng có khả năng làm dịu vùng da bị tổn thương, dưỡng ẩm, giảm nóng. Không những thể sử dụng nha đam cho những trường hợp dị ứng có thể ức chế vi khuẩn, sát trùng và ngừa nguy cơ bị bội nhiễm.
  • Yến mạch: tương tự nha đam, yến mạch cũng có khả năng làm dịu làn da bị tổn thương hay nóng da do dị ứng vì trong yến mạch có chứa nhiều axit ferulic, beta-glucan, avenanthramides. Với những làn da khô ráp, yến mạch có thể cung cấp dưỡng ẩm, cải thiện tình trạng da.
  • Chườm lạnh: thực hiện phương pháp này giúp các mạch máu co lại, giảm lượng máu vận chuyển đến khu vực bị tổn thương, đồng thời giúp làm dịu vùng da bị tổn thương. Biện pháp chườm lạnh có thể hiệu quả với những loại dị ứng do mỹ phẩm, phấn hoa, lông động vật,…
  • Uống nhiều nước: đây được xem là biện pháp dễ dàng thực hiện, bằng việc bổ sung nhiều nước giúp cơ thể thải độc gan và thanh lọc hiệu quả hơn, cải thiện những tình trạng ngứa, nổi mẩn đỏ, nóng rát,…

Lưu ý: các biện pháp điều trị trên hiện nay chưa được kiểm chứng khoa học, vì vậy hãy cân nhắc khi sử dụng biện pháp tại nhà theo kinh nghiệm dân gian.

dị ứng da

Biện pháp phòng ngừa dị ứng da

Dị ứng da có thể biến mất hoặc thuyên giảm sau một thời gian điều trị. Nhưng để tránh gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài, thẩm mỹ làn da, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa dị ứng da.

  • Tắm nước ấm: Bạn có thể rắc muối nở (baking soda) hoặc mốt ít bột yến mạch vào bồn tắm. Ngâm mình từ 10 – 15 phút, sau đó lau khô người. Để hạn chế tình trạng da bị khô, bạn có thể bôi thêm kem dưỡng ẩm sau đó.
  • Hạn chế gãi: Bạn nên tránh làm trầy vết thương vì có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Nếu cảm thấy khó chịu, hãy thử ấn nhẹ và xoa tay đều trên da. Đối với trẻ em bị viêm da dị ứng, bố mẹ hãy chủ động cắt móng tay và đeo găng tay cho bé thường xuyên.
  • Sử dụng các loại xà bông tắm không có tính tẩy mạnh và hương liệu.
  • Dùng máy tạo độ ẩm. Không khí trong nhà nóng, khô có thể khiến cho làn da trở nên nhạy cảm, bong tróc da và gây ngứa nhiều hơn. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng các loại máy độ ẩm.
  • Mặc quần áo rộng rãi, trơn mát. Việc mặc quần áo rộng rãi hạn chế bó sát và các họa tiết bằng ren sẽ giúp làn da dễ “thở” hơn.
  • Hạn chế lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Căng thẳng và các rối loạn cảm xúc khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da dị ứng.

Tóm lại, những trường hợp dị ứng da hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trong vài trường hợp hiếm hoi, phản ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ có thể khiến bạn rơi vào tình trạng khó thở. Khi gặp phải trường hợp này bạn cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.


Nguồn tham khảo:

Skin Allergies and Contact Dermatitis: The Basics

https://www.webmd.com/allergies/skin-allergies

Medications for treating atopic eczema

https://uichildrens.org/health-library/medications-treating-atopic-eczema

Antibiotics For Your Skin

https://www.choosingwisely.org/patient-resources/antibiotics-for-your-skin/

Chủ đề:

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *