Nguyên nhân gây mụn mủ và cách điều trị

Trị Mụn
mụn mủ

Mụn mủ là một trong những loại mụn trứng cá đem lại sự khó chịu cho người bệnh, ngoài việc mất đi tính thẩm mỹ của gương mặt, loại mụn này đôi khi còn sưng to và gây đau nhức. Do đó, tìm hiểu về mụn mủ và cách điều trị là một trong những vấn đề liên quan đến mụn được quan tâm nhất. Để mụn mủ không cản trở cuộc sống của bạn, cùng chúng tôi tìm hiểu mụn mủ là gì, cách trị mụn mủ cũng như những lưu ý khi chăm sóc mụn mủ, mụn mủ có nên nặn không trong bài viết dưới đây nhé.

I. Mụn mủ là gì? Trông như thế nào?

Mụn mủ hay còn gọi là mụn mủ trắng (mụn có mủ trắng). Chúng là những nốt đỏ nhỏ, có chứa chất lỏng hoặc mủ trắng, có hình dạng khá tương tự như mụn đầu trắng nhưng có kích thước lớn hơn, có thể gây đau đớn khi chạm vào.

Mụn mủ có thể mọc ở khắp mọi nơi trên cơ thể, trong đó, một số bộ phận có khả năng xuất hiện mụn mủ phổ biến là mặt, lưng, ngực. Mụn viêm có mủ hình thành khi bạn bị nhiễm trùng, cơ thể cố gắng chống lại điều này bằng cách tiết ra các tế bào bạch cầu, các chất lỏng bị viêm nhiễm và tế bào bạch cầu chết (mủ) tích tụ trong mụn.

Ngoài ra, khi có sự mất cân bằng hay thay đổi nội tiết trong cơ thể, mụn mủ cũng phát triển thành từng cụm, đa số xuất hiện ở người trong độ tuổi vị thành niên và người trẻ.

Hầu hết mụn mủ đều vô hại, tuy nhiên trong một vài trường hợp, một số dấu hiệu của mụn mủ biểu hiện cho tình trạng nhiễm trùng da nghiêm trọng như:

  • Tấy đỏ
  • Sưng to
  • Gây đau đớn
  • Sốt
  • Nôn mửa

II. Nguyên nhân hình thành mụn mủ

mụn mủ
Nguyên nhân gây nên mụn mủ.

Mụn mủ hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, một vài nguyên nhân phổ biến dưới đây:

  • Mụn trứng cá: Mụn trứng cá trên da là một nguyên nhân gây mụn mủ phổ biến. Sự phát triển của mụn trứng cá kéo theo dầu thừa và tế bào da chết tích tụ trong lỗ chân lông, gây tắc nghẽn, viêm nhiễm và hình thành mụn mủ. Ngoài ra, khi nặn mụn trứng cá, bạn cũng sẽ phá vỡ bức tường bảo vệ, làm tổn thương bề mặt da, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây viêm nhiễm, dẫn đến sự xuất hiện của mụn bọc mủ sau đó.
  • Viêm da dị ứng: Mụn mủ hình thành đôi khi là do phản ứng của cơ thể trước tình trạng dị ứng do thực phẩm, các tác nhân ô nhiễm từ môi trường hoặc nhiễm độc do côn trùng cắn.
  • Lạm dụng mỹ phẩm quá mức hoặc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng cũng gây nên mụn viêm có mủ.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài…
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh…
  • Ngoài ra, một số bệnh về da khác cũng là nguyên nhân hình thành nên mụn mủ như: Bệnh vẩy nến, bệnh thủy đậu…

III. Lưu ý khi chăm sóc mụn mủ tại nhà

Chăm sóc mụn mủ cẩn thận là điều cần thiết vì đây là loại mụn dễ lây lan và dễ để lại sẹo. Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc và điều trị mụn mủ bạn nên biết:

1. Có nên nặn mụn mủ không?

Đây là câu hỏi được đặt ra bởi hầu hết mọi người. Câu trả lời được khuyên từ các chuyên gia da liễu là không nên. Bời vì, việc dùng tay chưa sát khuẩn sờ, chạm, tác động lực lên mụn mủ sẽ đưa trực tiếp vi khuẩn lên mặt. Khi nặn mụn, chúng sẽ dễ dàng xâm nhập vào da và gây nên viêm nhiễm, kết quả làm mụn lây lan nhiều hơn, dễ để lại sẹo và vết thâm trên da.

Do đó, nếu muốn nặn mụn, bạn cần phải rửa tay và sát khuẩn các dụng cụ lấy mụn thật sạch. Sau đó vệ sinh da mặt và nặn mụn đúng cách, tránh bị sẹo. Nên có các bước chăm sóc da sau nặn mụn như rửa mặt, đắp mặt nạ để làm dịu da.

mụn mủ
Mụn mủ có nên nặn không?

Trong một số trường hợp nặng, bạn không nên tự ý lấy nhân mụn tại nhà vì điều này sẽ khiến tình trạng mụn càng trở nên xấu hơn. Thay vào đó, hãy đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu, cơ sở chăm sóc da, thẩm mỹ viện uy tín để được thăm khám và lấy nhân mụn đúng cách, an toàn.

2. Những lưu ý khi nặn mụn mủ tại nhà

Khi nặn mụn mủ tại nhà, để hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của việc nặn mụn như sẹo và vết thâm, bạn nên quan tâm đến một vài lưu ý dưới đây:

  • Thời điểm nặn mụn: Chỉ nặn mụn khi mụn đã chín, đầu nhân mụn đã se cứng lại.
  • Không nên nặn bằng móng tay: Chỉ nên dùng các dụng cụ chuyên dụng để nặn nhằm
    tránh trầy xước, nhiễm trùng vết thương do móng tay.
  • Vệ sinh lại vùng da vừa nặn mụn: Sau khi nặn mụn cần vệ sinh da, phòng tránh bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Nếu nốt lấy mụn to, chảy máu, cần được xử lý bằng bông, băng gạc, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
  • Dưỡng da, chăm sóc vết thương: Sử dụng sản phẩm dưỡng da như nước hoa hồng, dưỡng ẩm, mặt nạ nha đam, nghệ, cà chua, dưa leo… giúp vết thương mau lành và hạn chế vết thâm mụn để lại.

3. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu thực hiện các biện pháp điều trị mụn mủ trong thời gian dài không hiệu quả, mụn xuất hiện ngày càng nhiều, tình trạng bệnh ngày càng xấu, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ chuyên môn để có những chẩn đoán, điều trị phù hợp nhất.

IV. Cách điều trị mụn mủ

1. Điều trị mụn mủ nhỏ tại nhà

mụn mủ
Rửa mặt bằng nước ấm điều trị mụn mủ nhỏ tại nhà.

Một số loại mụn mủ nhỏ, lành tính có thể tự biến mất mà không cần chữa trị. Bạn có thể dùng nước ấm rửa mặt 2 lần/ngày để loại bỏ dầu thừa, tác nhân chính gây nên mụn. Trong quá trình rửa mặt, nên dùng tay massage nhẹ trên da, tránh dùng khăn vì có thể làm tổn thương vết mụn, khiến chúng bị vỡ ra.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không kê toa (OTC) trong điều trị mụn mủ có cơ chế làm khô lớp ngoài cùng của da và hấp thụ dầu thừa. Một số sản phẩm loại này rất mạnh dễ khiến da bị khô hoặc bong tróc.

Do đó, nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, hãy cẩn thận trong việc lựa chọn sản phẩm thuốc không kê toa khi điều trị mụn vì một số thành phần có thể gây kích ứng da.

Một số hoạt chất thường được tìm thấy trong thuốc điều trị mụn mủ gồm:

  • Benzoyl peroxide: Có tác dụng giảm lượng vi khuẩn bám trên da, làm sạch da, từ đó ngăn ngừa mụn xuất hiện. Khi sử dụng sản phẩm có chứa thành phần này bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như khô da, đóng vảy, da châm chích.
  • Thuốc kê toa Retinoid/ Retinol: Là một dẫn xuất của vitamin A có tác dụng trong việc tái tạo tế bào mới, thúc đẩy sản sinh collagen. Tuy nhiên, không nên lạm dụng retinol vì nó cũng khiến da bạn bị đỏ, khô, ngứa và nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Sản phẩm không dành cho phụ nữ mang thai.
  • Lưu huỳnh: Có tác dụng trong việc thông thoáng lỗ chân lông, thu nhỏ kích thước của mụn mủ, kháng khuẩn. Nếu bị dị ứng với lưu huỳnh, hãy tránh xa sản phẩm có chứa thành phần này để không bị kích ứng nghiêm trọng.
  • Thuốc kê toa Isotretinoin: Là một thành phần thuốc kê toa, được sử dụng dựa trên chỉ định của bác sĩ da liễu, đặc trị trong các trường hợp trị mụn trứng cá từ mức độ trung bình đến nặng. Isotretinoin là một loại dẫn xuất vitamin A, được nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong việc làm giảm tuyến bã nhờn, thu nhỏ lỗ chân lông, hạn chế tắc lỗ chân lông, ức chế vi khuẩn gây mụn (P. Acnes), ngăn ngừa phản ứng viêm tấy đỏ trên da. Đặc biệt, thành phần này còn được chỉ định cho những người trị mụn không hiệu quả bằng thuốc như kháng sinh benzoyl peroxide, axit salicylic, tetracycline. Chúng sẽ mang đến một số tác dụng không mong muốn và sẽ tự mất đi sau khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, loại dẫn xuất vitamin A này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và người có dự định mang thai trong thời gian gần.

=>> Xem thêm: Cách chữa mụn mủ tại nhà hữu hiệu bạn không nên bỏ qua


Trên đây chúng tôi đã chia sẻ thông tin về mụn mủ, nguyên nhân hình thành và cách điều trị mụn mủ, hy vọng mang đến cho bạn những thông tin bổ ích.

*Các bài viết của Skinwecare chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


Nguồn tham khảo

What Causes Pustules?

https://www.healthline.com/health/pustules

How To Treat Different Types Of Acne

https://www.aad.org/public/diseases/acne/DIY/types-breakouts

Adult acne: Understanding underlying causes and banishing breakouts

https://www.health.harvard.edu/blog/adult-acne-understanding-underlying-causes-andbanishing-breakouts-2019092117816

Pustules

https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/pustules-facts

Pimple Popping 101: How to (Safely) Zap Your Zits

https://health.clevelandclinic.org/pimple-popping-101-how-to-safely-zap-your-zits/

Chủ đề:

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *